K-Review

Thực tập sinh nhìn thấy ưu, nhược điểm gì của các công ty giải trí Hàn Quốc?

Nếu bạn được chọn làm thực tập sinh của một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc này, bạn sẽ chọn nhà nào?

Đứng dưới góc nhìn của một người muốn trở thành thực tập sinh của một công ty âm nhạc Hàn Quốc, cùng đặt lên bàn cân những ưu và nhược điểm của các công ty này.

SM Entertainment ( công ty của DBSK, Super Junior, SNSD, SHINee, F(x), EXO, Red Velvet…)

1Ưu điểm:

1. Chắc chắn sẽ nổi tiếng: dù ngay từ khi debut đã thành công hay sau khi debut một thời gian dài mới thành công thì cuối cùng sao nhà SM cũng sẽ nổi tiếng, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

2. Fandom lớn mạnh: Không chỉ được công chúng biết đến mà lượng fandom của nhà SM là khủng nhất trong số các công ty âm nhạc. Chính vì lượng fandom hùng hậu nên chắc chắn lượng album bán ra cũng nhiều, lượng bình chọn cũng cao, mà khi có scandal xảy ra cũng được fan bảo vệ mạnh mẽ.

3. Ngoại hình được chăm sóc kỹ lưỡng: SM nổi tiếng lựa chọn thực tập sinh dựa vào ngoại hình, song công tác “vịt hóa thiên nga” của nhà SM cũng nổi tiếng không kém bởi việc lên đời nhan sắc cho nghệ sĩ của SM cực kỳ cao tay.

Nhược điểm:

1. Không biết khi nào mới được debut: Trong số các sao đã ra mắt của SM, không ít các sao có thời gian làm thực tập sinh lên đến 5,6 năm và đã có rất nhiều thực tập sinh bỏ cuộc giữa chừng. Hơn nữa, môi trường làm thực tập sinh cũng vô cùng khắc nghiệt.

2. Làm việc vô cùng vất vả: Nhà SM đã nhiều lần bị vướng kiện tụng vì bóc lột nghệ sĩ. Việc các sao nhà SM phải làm việc đến mức phát bệnh cũng là chuyện gặp “thường ngày ở huyện”. Và SM không nổi tiếng cho lắm trong vấn đề tôn trọng nghệ sĩ.

3. Đau đầu với việc cư xử: Vì fandom nhà SM lớn nhưng lại không mấy thân thiện với nhau nên chỉ cần một hành động nhỏ, thậm chí một tin đồn cũng dẫn tới việc nghệ sĩ bị fan của nhóm nhạc khác anti mạnh mẽ.

4. Không được thể hiện bản thân, bị coi là bất tài: SM thường không ủng hộ việc thể hiện cá tính riêng cũng như phong cách âm nhạc và tính nghệ sĩ của idol mà tất cả đều phải theo hướng chỉ đạo của công ty. Ngoài ra các idol nhà SM thường bị gắn mác bất tài kể cả khi họ thực sự tài năng.

 

YG Entertainment (công ty của Big Bang, 2NE1, Winner, iKON, Psy…)

2Ưu điểm:

1. Âm nhạc chất lượng: Âm nhạc cộp mác YG luôn được khán giả lẫn chuyên gia đánh giá cao vì vậy không phải lo sợ bài hát bị ném đá là nhảm hay khó hiểu, thứ hạng nghe nhạc cũng thường thuộc hàng top.

2. Được tự do thể hiện cá tính riêng: Ngược lại với SM, YG luôn đặt mục tiêu thể hiện cá tính riêng của từng nghệ sĩ, tạo điều kiện hết mức cho nghệ sĩ được sáng tác, sản xuất âm nhạc cũng như phong cách ăn mặc, phong thái của mình.

3. Phân chia lợi nhuận bình đẳng: Vấn đề phân chia lợi nhuận của nhà YG và nghệ sĩ được đánh giá là khá ổn.

Nhược điểm:

1. Không biết khi nào được debut hay comeback: Nhà YG nổi tiếng lùi lịch lẫn giấu lịch debut hay comeback của gà nhà. Nhóm nữ em gái 2NE1 đã được chủ tịch Yang Hyuk Suk dự định đào tạo và ra mắt cách đây gần 5 năm nhưng hiện tại vẫn chưa thấy tăm hơi. Các nhóm đã ra mắt cũng không biết khi nào mới được comeback.

2. Vướng nhiều scandal: Sao nhà YG vướng phải rất nhiều scandal không hay cả về chuyện tình cảm, nhân cách lẫn pháp luật nên thường là mục tiêu ném đá của khán giả.

3. Ít khi tham gia show: Các sao nhà YG không được tham gia nhiều show giải trí lẫn show âm nhạc hàng tuần như các sao nhà khác.

 

JYP Entertainment (công ty của Wonder Girls, 2PM, Miss A, GOT7, TWICE, Day6, 15&…)

3Ưu điểm:

1. Được tôn trọng và làm việc lâu dài: Nhà JYP tôn trọng các nghệ sĩ của mình và luôn tạo điều kiện cho họ hoạt động nghệ thuật lâu dài và ủng hộ các quyết định của nghệ sĩ kể cả việc rời công ty, chuyển hướng nghệ thuật cũng được công ty ủng hộ.

2. Phân chia lợi nhuận đều: Công ty JYP cũng là một trong số những công ty phân chia lợi nhuận với nghệ sĩ một cách thỏa đáng.

3. Thân thiết như gia đình: Ít có nghệ sĩ nào của JYP không kể về việc các thành viên JYP thân thiết với nhau như gia đình, thậm chí idol nam và nữ thân thiết cũng không vướng scandal hẹn hò.

4. Sạch scandal: Các nghệ sĩ để được debut dưới tư cách JYP phải có nhân cách tốt là yếu tố đầu tiên. Trong vòng 15 năm, JYP chỉ vướng duy nhất một vụ lùm xùm liên quan đến pháp luật ngoài ra cũng vướng rất ít các scandal khác.

Nhược điểm:

1. Không biết khi nào được debut: Cũng giống như SM hay YG, để được debut dưới danh nghĩa nhà JYP cũng vô cùng khó khăn một phần bởi tiêu chuẩn không giống ai của Park Jin Young.

2. Chiến dịch media kém: Nhà JYP tôn chỉ: nổi tiếng nhờ sức mình, vì vậy mà chiến dịch quảng bá cho gà nhà rất kém. Muốn nổi tiếng phải tự lực cánh sinh chứ khó mà nhờ công ty hỗ trợ.

3. Phong cách không đa dạng: Một phần vì đa số các ca khúc, album của nghệ sĩ nhà JYP đều do Park Jin Young sản xuất nên khó mà đa dạng. Song, hai năm trở lại đây công ty đã thay đổi CEO lẫn việc sử dụng âm nhạc không cộp mác Park Jin Young nên đã tốt hơn.

 

Cube Entertainment (công ty của Beast, 4Minute, BTOB, Apink, CLC, G.Na…)

4Ưu điểm:

1. Được tự do thể hiện khả năng: Các nghệ sĩ nhà Cube được tham gia sáng tác và sản xuất nhạc, nếu có tài năng và lượng fan ổn định thì có thể được solo hoặc hoạt động nhóm nhỏ, ngoài ra còn được tham gia diễn xuất, nhạc kịch…tùy vào khả năng mỗi người.

2.Khá thân thiết: Các thành viên của các nhóm nhạc trực thuộc Cube như Beast, BTOB, 4Minute, Apink đều được khán giả đồng tình là khá thân thiết và vui vẻ với nhau.

Nhược điểm:

1. Chiến dịch PR kém: Chính bởi chiến dịch PR kém của nhà Cube khiến cho hoạt động của các nghệ sĩ không đạt được thành quả xứng đáng. Thậm chí, nếu xét về hướng đi riêng cho nghệ sĩ cũng được hoạch định khá mập mờ, không nhất quán.

2. Khó chắc là thành công: Các nghệ sĩ của Cube, bên thì thành công, bên lại chật vật tìm chỗ đứng. Nếu Beast, Apink, Hyuna được công chúng biết đến rộng rãi thì ngược lại, BTOB, CLC, G.Na lại chật vật để tìm vị trí cho mình.

3. Fandom thấp: Mặc dù nổi tiếng xong xét về mặt bằng chung, fandom của nhà Cube khá thấp so với Big 3 và chủ yếu tập trung nhiều ở trong nước, fan nước ngoài không mạnh.

 

FNC Entertainment (công ty của FT Island, CN Blue, AOA, Juniel…)

5Ưu điểm:

1. Chiến dịch PR mạnh mẽ: Chiến dịch PR của FNC là một trong những yếu tố quan trọng đưa nghệ sĩ của công ty đến gần công chúng hơn trong khi các nghệ sĩ của các công ty khác vất vả để được khán giả biết đến.

2. Mối quan hệ rộng: Không chỉ quan hệ rộng với bên sản xuất âm nhạc, FNC còn mở rộng quan hệ đến lĩnh vực giải trí có tầm ảnh hưởng cao khác như phim ảnh, show giải trí…nên nghệ sĩ của công ty cũng được thử sức mình ở nhiều lĩnh vực.

Nhược điểm:

1. Phân biệt nghệ sĩ: Vấn đề phân biệt đối xử với nghệ sĩ tạo ra nhiều và ít lợi nhuận của FNC khá nặng ngay giữa các nghệ sĩ cũng công ty hay trong chính giữa các thành viên của cùng một nhóm nhạc. Ngoài ra, việc trả lương cho nghệ sĩ cũng không hào phóng.

2. Âm nhạc chưa định hướng: Âm nhạc của FNC chưa có định hướng riêng, đa số hợp tác với các nhà sản xuất âm nhạc tự do với chất lượng lúc lên lúc xuống. Vì vậy mà độ nổi tiếng của nghệ sĩ cũng không cao.

3. Fandom thấp: Độ nhận biết công chúng là độ nổi tiếng + chất lượng fandom của nhà FNC không đi cùng nhau, ngược lại thì độ  nhận biết công chúng lại đi kèm với nhiều antifan.

 

DSP Entertainment ( công ty của Kara, Rainbow, April…)

6Ưu điểm:

1. Nghệ sĩ được chú ý tại Nhật: Nếu ở Hàn Quốc, DSP ngày càng để mất vị trí của mình thì ngược lại, các nghệ sĩ của DSP lại xâm nhập thị trường Nhật Bản khá thành công, mang lại lợi nhuận cao.

Nhược điểm:

1. Bó hẹp hình tượng: Một trong những điều khiến cho vị thế của DSP ngày càng bị tụt lùi so với các công ty khác là việc bó hẹp hình tượng của nghệ sĩ mà không có sự phá cách, nghệ sĩ nữ của DSP hoặc theo phong cách dễ thương hoặc sexy nhàm chán.

2. Không biết khi nào mới nổi tiếng: Trong khi Kara từng làm mưa làm gió tại Hàn Quốc thời kỳ 2008-2010 và có sự nghiệp ổn định tại Nhật Bản thì Rainbow được xếp vào nhóm nữ “mãi không thể nổi tiếng”. Tân binh April cũng không tạo được sự chú ý.

3. Âm nhạc một màu: Âm nhạc chính là điểm trừ mạnh nhất của DSP với những thực tập sinh mong muốn được thử thách bản thân. Âm nhạc một màu cũng là nguyên nhân chính cho việc đi xuống của DSP.

SG

 

Leave a Reply