Khám phá đa chiều trong “Chicago Typewriter”: Cuộc hành trình tìm kiếm linh hồn cho ngòi bút của mình và sự tự vấn lương tâm của một nhà văn [Part 1]
“Chicago Typewriter” đã đi được một nửa chặng đường. Cốt truyện cùng diễn xuất của ba diễn viên chính, Yoo Ah In, Lim Soo Jung, Go Kyung Pyo đã nhận được nhiều lời khen ngợi.
Part 1: Ý kiến đánh giá về thông điệp đa chiều của bộ phim
❣Diễn xuất của Yoo Ah In
Các nhà phê bình dành nhiều lời khen ngợi cho diễn xuất của Yoo Ah In, người hóa thân vào cùng một lúc hai nhân vật, đặc biệt hơn khi họ sống ở hai thời đại khác nhau. Rất nhiều ý kiến cho rằng anh đã thành công trong việc lột tả nên hai con người với hai cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Căn cứ trên sự riêng biệt giữa đặc điểm ngoại hình của hai nhân vật, Han Se Joo và Seo Hwi Young thậm chí gần như không có vẻ gì là giống những người có huyết thống xa. Trên hết, Yoo Ah In thành công trong việc kiến tạo sự khác biệt rõ ràng từ thái độ, cử động hình thể, biểu cảm gương mặt và cả tông giọng cho mỗi nhân vật; cụ thể như một Han Se Joo lập dị và một Seo Hwi Young đầy bí ẩn – từng chi tiết thực sự khiến người xem tin rằng hai cuộc đời này là có thật. Không những thế, màn trình diễn của Yoo Ah In đã gỡ bỏ những suy nghĩ trước đây của tôi, thật sự Yoo Ah In có thể làm tốt mọi vai diễn, và lần này là một vai diễn có màu sắc hài hước nữa.
Phê bình trên Ohmynews (một trong số ít cổng thông tin viết những review độc lập về drama, film và sách) đã chỉ ra một số chi tiết thú vị trong kịch bản Chicago Typewriter của biên kịch Jin Soo Wan. Dưới đây là một số ý kiến tóm lược:
❣Phản ánh chân thực hiện thực về cuộc sống và công việc của người cầm bút.
Biên kịch Jin Soo Wan đang có khuynh hướng đào sâu vào tâm lý nhân vật bằng cách phát triển cốt truyện một cách từ tốn, điều này thúc đẩy khán giả suy đoán. Cô rất tài tình trong việc chuyển tải những thông điệp sâu sắc thậm chí kể cả khi nó đặt trong những bối cảnh có vẻ hiển nhiên và trẻ con.
Tiểu thuyết gia Park Jin Gyu, người sáng tác nên tác phẩm đoạt giải thưởng lớn “Suspicious Mold” (“Những cái khuôn đáng ngờ”) đã nhận xét trên Ent Media rằng: “từ góc độ của một tiểu thuyết gia thực thụ, Chicago Typewriter nhấn mạnh vào thực tế cuộc sống của một nhà văn đang trong thời kì khủng hoảng với nhân vật Han Se Joo được thể hiện bởi Yoo Ah In. “Han Se Joo là một người có tính cách lập dị và đòi hỏi cao trong công việc của mình. Anh ta giống như một huyền thoại về hình ảnh của một nghệ sĩ phi thường mà công chúng Hàn Quốc mong đợi từ lâu – người nghệ sĩ với phong cách thời trang khác người và một tính cách kỳ lạ, một nhân vật phù hợp với khuôn mẫu của người Hàn của một nghệ sĩ độc đáo thực thụ”. Han Se Joo đã nói với đối thủ của mình, Baek Tae Min rằng: “Thay vì dành thời giờ nằm dài ở tiệm làm tóc, hãy cầm bút lên và viết như một thằng điên” – không khác biệt mấy so với thực tế của các nhà văn hiện đại ngày nay.
Khá dễ hiểu khi Jin, một biên kịch truyền hình, khi cô đã tạo ra một cây viết giàu có nhưng “bẩn thỉu” như Han Se Joo [Note 1: ở đây “bẩn thỉu” là cách anh kiếm ra tiền từ việc viết lách nó không giống như quan niệm văn chương thuần túy là hướng tới những giá trị nghệ thuật hay nhân sinh mà là một dạng nhà văn trọng thị hiếu hơn] [Note 2: trong trường hợp của Han Se Joo, anh đã tạo nên “Đế chế” của mình từ những tổn thương. Anh không tự nhiên giàu có], cùng sự phổ biến với công chúng như một thần tượng nổi tiếng, Han Se Joo là mẫu tiểu thuyết gia viết những series truyện hàng tuần – theo kì (Chicago Typewriter), hệt như cái cách mà các biên kịch drama đang làm [Notes: quay cuốn chiếu, viết đuổi từng tập]. Đó chính là thực tế cuộc sống của Jin Soo Wan, khi cô phải gạt giấc ngủ sang bên và viết một kịch bản dài 120p mỗi tuần. Trong thực tế sản xuất drama, khi quá trình sản xuất bắt đầu và drama lên sóng ngay khi toàn bộ kịch bản vẫn chưa viết xong, biên kịch buộc phải viết “như điên”, đúng theo nghĩa đen. Nếu tốc độ cho ra kịch bản không bắt kịp với tốc độ drama lên sóng, biên kịch chỉ có thể viết những mẩu kịch bản ở bên lề câu chuyên chính, phân mảnh và rời rạc.
❣Những thông điệp sâu sắc về lịch sử và chính trị
Nhà văn thiên tài Seo Hwi Young (kiếp trước của Han Se Joo), người đã bị đưa vào danh sách đen (blacklist) dưới thời thuộc Nhật trong những năm 1930 đã nói: “Đất nước này có thể mất đi nhưng không ai có thể lấy đi ngòi bút của tôi. Nếu không thể viết, tôi sẽ chẳng khác gì một bóng ma. Khi Joseon được giải phóng, tôi sẽ viết tất cả những gì tôi muốn viết bằng tất cả đam mê.”
Hwi Young: Tên tôi đang trong danh sách đen (blacklist) và lúc này đây đang có rất nhiều con mắt đang canh chừng tôi. Tôi có thể viết gì nữa đây?
Yoo Jin Oh/ Shin Yul: Đó là lý do tại sao cậu đang viết mấy cái tiểu thuyết ba xu sao? Sao cậu không từ bỏ hẳn việc viết lách luôn đi?
Hwi Young: Ngay cả khi đất nước này có thể bị mất đi, nhưng không ai có thể lấy đi ngòi bút của tôi. Nếu không thể viết, tôi sẽ chẳng khác gì một bóng ma. Ngày mà Joseon được giải phóng, tôi sẽ viết tất cả những gì tôi muốn viết bằng tất cả đam mê.
Shin Yul: Tôi đoán là sẽ không còn blacklist nào nữa khi Joseon được giải phóng.
Hwi Young: Tất nhiên. Đó mới là ý nghĩa thật sự của “được giải phóng”
Bộ phim đã phơi bày thực trạng đen tối hiện nay của Hàn Quốc và nỗi uất ức của những người cầm bút nói riêng. Bởi vì hiện nay, sau 90 năm giải phóng, blacklist vẫn còn tồn tại trên đất nước này. Dưới quyền Tổng thống Park Geun Hye, gần 10.000 nhân vật hoạt động trong ngành văn hóa nghệ thuật bị đưa vào danh sách đen và lọt vào tầm ngắm “phân loại” của chính phủ. Tôi có thể thấy biên kịch Jin thực sự mong muốn được lên tiếng xa hơn về vấn đề này [Notes: cùng với đại đa số các diễn viên của Chungmuro (tên gọi của ngành điện ảnh Hàn Quốc, kiểu Hollywood của Mỹ), Yoo Ah In – diễn viên chính của Chicago Typewriter cũng được cho là nằm trong danh sách này cùng với những tên tuổi tiền bối gạo cội như Song Kang Ho, Kim Hye Soo, các đạo diễn như Park Chan Wook, Ryu Seung Wan… và vô số những cái tên lớn của nền điện ảnh của Hàn Quốc vì họ đã tham gia các hoạt động phản đối công khai chính phủ về vụ chìm phà Sewol, biểu tình…]