Những nhóm nhạc gây chú ý với mô hình khác biệt
Thị trường âm nhạc Hàn Quốc có hàng chục nhóm nhạc ra mắt mỗi năm. Số lượng ca sĩ thần tượng quá đông đã dần khiến khán giả cảm thấy nhàm chán cũng như “ngại” tìm hiểu những cái tên mới. Điều này đã buộc các công ty giải trí phải sáng tạo hơn trong phong cách, hướng quảng bá và cả mô hình hoạt động với mong muốn tồn tại ở thị trường Kpop cạnh tranh khốc liệt.
Và sự khác biệt đã phát huy tác dụng ở nhiều nhóm nhạc, điển hình như EXO, Seventeen, NCT… Không chỉ gây chú ý khi mới ra mắt, họ còn thu hút lượng fan lớn ở thị trường quốc tế và gặt hái nhiều thành tích, nhất là về khả năng bán album, lượng vé tham gia các concert..
Miss A – không có trưởng nhóm
Trưởng nhóm luôn rất được coi trọng tại làng nhạc Hàn, nhất là khi các nhóm nhạc ngày càng đông thành viên. Trưởng nhóm ngoài gắn kết thành viên, nắm bắt lịch diễn,… còn có vai trò quan trọng khi mâu thuẫn xảy ra.
Nhiều nhóm nhạc thành công một phần nhờ vào sự dẫn dắt của trưởng nhóm như BigBang, BTS… trong khi số khác tụt lùi thấy rõ khi người đứng đầu rời đi.
Bất chấp vai trò to lớn đó, JYP vẫn quyết xây dựng miss A thành mô hình không trưởng nhóm. Công ty muốn các thành viên bình đẳng như những người bạn và giải quyết mọi vấn đề dựa trên nền tảng thấu hiểu, cảm thông với nhau.
T-ara – luân phiên làm trưởng nhóm
Trong khi BlackPink, miss A không có trưởng nhóm thì T-ara lại áp dụng mô hình “trưởng nhóm luân phiên”. Theo đó, các thành viên sẽ thay nhau đảm nhận vai trò dẫn dắt trong một năm trước khi chuyển giao vị trí này cho người khác.
Ban đầu, vị trí trưởng nhóm vốn được ấn định cho Eunjung vì cô làm thực tập sinh lâu nhất. Tuy nhiên, công ty của T-ara đã đặt ra quyết định mới nhằm tạo cơ hội cho các thành viên.
Ban đầu, 6 cô gái đã bày tỏ sự bất bình. Nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý với cách làm này và đến nay, mỗi thành viên đều đã thử sức với trọng trách quan trọng.
AOA gồm 2 nhóm nhỏ
AOA được ra mắt năm 2012 với 2 nhóm nhỏ khác nhau. Trong đó AOA White là đội hình 7 thành viên hiện tại và thiên về vũ đạo, còn AOA Black gồm Jimin, Choa, Yuna, Mina, Yookyung biểu diễn với nhạc cụ.
Tuy nhiên, sau thời gian đầu hoạt động, chỉ AOA White gây được sự chú ý. Trong khi AOA Black gần như không còn hoạt động. Năm 2016, khi hết hạn hợp đồng với FNC, Yookyung cũng quyết định rời nhóm, đồng thời cái tên AOA Black cũng dần đi vào dĩ vãng.
EXO song song hoạt động ở 2 thị trường
Tương tự như AOA, EXO được chia thành EXO-K và EXO-M, trong đó, K quảng bá ở Hàn Quốc và M ở Trung Quốc. Trong thời gian đầu, tất cả các album, single của nhóm đều được phát hành với 2 phiên bản tiếng Hàn và tiếng Quan Thoại.
Nhờ hoạt động song song tại 2 nước nên EXO gặt hái nhiều thành tích, đặc biệt là khả năng bán album. Trong đó, fan Trung Quốc luôn đóng góp một phần rất lớn trong tổng số album bán ra của EXO.
Tuy nhiên, vào năm 2014, trưởng nhóm của EXO-M là Kris đột ngột rời nhóm và trở về Trung Quốc phát triển sự nghiệp cá nhân. Sau đó, Luhan và Tao cũng lần lượt tách khỏi SM khiến EXO-M chỉ còn 3 thành viên. Hiện tại, việc mất đi những thành viên người Trung cộng thêm lệnh cấm làn sóng Hallyu từ đất nước này khiến hoạt động của EXO gặp nhiều khó khăn.
Seventeen gồm 3 nhóm nhỏ phân chia theo năng lực
Cũng được xây dựng từ mô hình những nhóm nhỏ nhưng Seventeen lại gồm 3 nhóm khác nhau và được phân chia theo các lĩnh vực gồm Hip-hop team, Vocal team và Performance team.
Mặc dù các thành viên được chia ra theo kỹ năng, nhưng trong các ca khúc của Seventeen, họ có thời gian hát khá đồng đều thay vì thiên về nhóm vocal. Mô hình mới lạ này cùng dòng nhạc trẻ trung, tươi mới đã giúp Seventeen nhanh chóng nhận được sự chú ý của khán giả.
After School theo mô hình “nhóm nhạc tốt nghiệp”
Mô hình “nhóm nhạc tốt nghiệp”, nơi các thành viên rời nhóm sau một thời gian hoạt động để nhường chỗ cho người mới rất phổ biến tại Nhật Bản. Thế nhưng, ở Hàn Quốc, After School là trường hợp đầu tiên áp dụng.
Từ khi ra mắt năm 2009, After School đã rất nhiều lần thay đổi thành viên. Đội hình hiện tại cũng không còn thành viên nào gắn bó với nhóm từ khi ra mắt. Việc thay người liên tục giúp các nhóm nhạc tồn tại lâu dài bằng cách trẻ hóa độ tuổi trung bình.
Đáng tiếc, hệ thống này chưa được chấp nhận tại Hàn Quốc, do đó, sau một thời gian hoạt động, After School đã không còn được chú ý. Thậm chí, nhiều khán giả dự đoán nhóm sớm tan rã vì không thể cạnh tranh với các nhóm nhạc đang lên.
NCT không giới hạn thành viên
NCT được đánh giá là 1 ý tưởng táo bạo của SM. Nhóm nhạc này được xây dựng với mục tiêu phổ biến Kpop tới nhiều thị trường khác nhau ngoài châu Á, đặc biệt là Mỹ La Tinh. Do đó, thành viên trong nhóm mang nhiều quốc tịch khác nhau.
NCT cũng không giới hạn thành viên và được chia thành nhiều nhóm nhỏ hoạt động ở những thị trường khác nhau. Thành viên trong các nhóm nhỏ đó cũng không hề cố định.
K.A.R.D – Nhóm nhạc hỗn hợp nam nữ
Lâu nay, cơn khát “nhóm nhạc hỗn hợp nam nữ” luôn âm ỉ trong lòng các Kpop fan. Đặc biệt là sau khi Co-Ed School nhanh chóng rã đám chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động. Và đó chính là lý do khiến K.A.R.D – nhóm tân binh mới gồm 2 nam, 2 nữ của nhà DSP nhận được sự quan tâm lớn ngay từ sản phẩm đầu tiên ra mắt.
Trong lúc thị trường âm nhạc đang bão hòa, K.A.R.D nổi lên như cái tên cực kì đặc biệt bởi là một nhóm hỗn hợp nam nữ, các thành viên đều có điểm hút fan riêng: B.M cực kì quyến rũ, J.Seph với giọng rap đỉnh, Jiwoo và Somin cực kì cuốn hút với kĩ năng thanh nhạc của mình. Nhóm đang bước đầu sở hữu lượng fan quốc tế tương đối hùng mạnh và trở thành ngôi sao toàn cầu khi đặt chân vào BXH Billboard chính thống.
Phạm Đạt / Tổng hợp